Navbar


New: Biggest Hiphop News in Vietnamese - DUNKARE MAGAZINE [ Click here to visit ]

Thursday, September 9, 2010

Ánh đèn đêm

Ngày xưa, mỗi lần đi với ba về quê lo công việc, ba đều quay về ngay trong đêm. Rất hiếm khi ba chịu ngủ lại, toàn về nhà dù có khuya đến mấy. Những lúc như vậy, mình thường ngồi đàng trước và ngủ gà ngủ gật, trong óc thì mơ màng cảnh rúc vào mền ấm của mẹ mà ngủ, cảm giác thèm thuồng lấn át mọi cảm xúc lúc đó.

Đường về là quốc lộ, nên xa thật xa thường le lói ánh đèn từ khu dân cư xa lạ nào đó. Ánh đèn vàng, và nhỏ bé cứ chớp tắt một cách yếu ớt đàng xa, cứ làm mình hay tưởng tượng đủ thứ trên đời: nào là mắt con thú dữ nào đó, nào là các anh lính đang truyền tin, mà trên hết, mình cứ đinh ninh đó là ánh đèn nhà mình.

Chưa bao giờ mình cảm giác nó thật hơn thế. Giống như một người bộ hành lạc giữa sa mạc, thì khi nhìn thấy một cây dừa đàng trước, họ cũng đinh ninh rằng đó chính là đường sống. Giống như một anh lính xa quê, nhìn khói trận mà ngỡ khói bếp quê nhà. Mình cũng vậy, cứ nhìn ánh đèn vàng đó, thì cứ ngỡ đó là ánh đèn mẹ còn mở đợi hai cha con về.

Lúc còn nhỏ thường đi rong chơi, thật khuya mới về, lần nào bóng đèn tròn tù mù cũng có bật sáng. Mẹ luôn đợi mình về. Dù có khuya cách mấy. Chỉ khi mình đã nằm ngủ yên trong phòng, mẹ mới tắt nó.

Tối nay đi học về, ngồi trong metro, lại bắt gặp ánh đèn vàng yếu ớt bên kia sông khi qua cầu. Cảm giác như mình đang chạy trên đường quốc lộ ngày nào. Và thật lạ là, cảm giác đinh ninh rằng mẹ vẫn chưa tắt bóng đèn tròn đó, rất thật.

Helsinki, Sep 8, 2010.

Friday, September 3, 2010

Bữa nay sửa chữa nhà, đón mùa thu lạnh cóng

Hồi còn nhỏ, cứ gần tới ngày đi học thì trời cũng trở lạnh. Tui coi lịch cũng lờ mờ đoán đó là thu. Sài Gòn thì làm gì có thu. Sài Gòn hoặc là nắng, hoặc là mưa. Hết.

Qua đây mới gọi là đua đòi biết mùi mùa thu với đời. Mấy bữa nay lạnh teo chân tay, đến con cá trong hồ cũng lừ đừ, còn mình thì suốt ngày dúm dó trong mền.

Viết một chút cho ấm cúng nhà cửa, dạo này bác Google có vẻ chăm chút cho Blogger nên mình cũng thấy có lỗi khi để blog nó bơ vơ lạnh lẽo. Chuyển giao diện về bình thường, nhìn hơi simple một chút để đổi lấy tốc độ. Dừng ở đây, mai sẽ viết về những ngày đi học, hihi.

Ích kỷ và vô trách nhiệm với văn hóa

Có lần được nghe họa sỹ Hải Minh nói chuyện, chú ấy là một người khá ngang tàng, nên mình nhớ rất dai, đó là chuyện một anh chủ quán cafe thuộc hàng có tiếng trong thành phố, mượn được tranh Bùi Xuân Phái về treo, treo tòng teng ở đấy, hoàn toàn không bảo vệ, không bảo hiểm gì sất.

Ấy là chuyện cá nhân giữa chủ quán và người sưu tập tranh. Nhưng chú Hải Minh mắng ngay. Lập luận của chú ấy là, bây giờ nhỡ khách uống cafe vô tình làm hỏng tranh, thì dù có đền bao nhiêu tiền đi nữa, chắc gì đã lấy lại bức tranh cho hậu thế?

Ở đây, chú Hải Minh không đặt nặng vấn đề tiền, hoặc giá trị bức tranh, với ông, giá trị văn hóa mới là cái cần truyền lại cho đời sau. Tôi cũng thấy như vậy, vì đời sau, văn minh tiến bộ hơn chúng ta, chắc chắn sẽ làm lụng được nhiều tiền hơn chúng ta, rất nhiều. Vậy chỉ có văn hóa là thứ chúng ta có thể để lại.
Ảnh: VnExpress.
Đọc báo, thấy một nhà sưu tập sách, không biết vì lý do gì, để kho sách bị cháy, trong đó, có rất nhiều sách quý. Tôi tìm mãi, tìm mãi, không thấy đoạn nào trong bài báo nói đến bảo hiểm. Phàm thứ gì quý giá, ở các nước phát triển, người ta đều mua bảo hiểm. Vừa đề phòng rủi ro, vừa tạo cho bản thân một trách nhiệm bảo quản. Bởi trong điều khoản bảo hiểm, tất có bao gồm nhiều điều quy định trong đó.

Ông ta lưu giữ, xét về giá trị vật chất, thì rõ ràng nó là thuộc sở hữu của ông ấy. Nhưng xét về khía cạnh văn hóa? Tôi chỉ nhận xét một câu là vụ cháy này, thể hiện một tinh thần ích kỷ và vô trách nhiệm với văn hóa. Còn tinh thần đó của ai? Ai nhận đây?

Link gốc: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/08/3BA1EC89/