Cách đây ít ngày, có ghé qua blog của
Demifantasy . Anh ấy viết khá nhiều thứ về xã hội ngày nay, tuy giọng văn có đôi chỗ khá phóng khoáng và ngang tàng, nhưng xem được.
Trong số bài đã đọc, có đoạn mình rất thích, anh ấy nói đại để rằng chính cái lối tuyên truyền quá lố lăng, đi học thì không cần anh biết sáng tạo hay sáng kiến gì ráo trọi, cũng chẳng cần biết Lễ hay Nghĩa, Nhân hay Tín, chỉ cần anh biết rằng "từ nhỏ lớn lên là chỉ biết căm thù giặc và chiến đấu chống quân thù", đã làm cho hầu như ai cũng
"tự nhiên nó sinh ra cái lòng thù hận chung chung một cách vô cớ và hành xử như những anh hùng thời mạt vận!" (trích tại
phần comment )
Thường ngày, trong những lúc
phải đi ra đường, mình đi rất vội. Dùng từ
phải là vì thực lòng mình chỉ muốn ở nhà là: thứ nhất, khỏi thấy cảnh gai mắt, thứ hai, đỡ phải tức vì những gì mình đã thấy. Dạo này nghe rất nhiều bạn bè xung quanh ca thán về chuyện đào đường, chuyện xe buýt, rồi cả chuyện thuế má, có người còn bảo, "sao giờ nó giống cái thời mà tao đọc trong sách, sưu cao thuế nặng quá mày ơi..." Mình giật mình thảng thốt, phải vậy hong ta?
Vào thời đó, các cụ nhà văn chỉ xây dựng mỗi một hình tượng điển hình, là đủ để tên cụ đi vào sách sử, được con cháu ê a học. Đứa em mình đọc xong truyện, tặc lưỡi:
"May mà đời nay không có thằng nào như thằng Chí..." À, thì ra nó đọc Chí Phèo của cụ Nam Cao.
Truyện tóm gọn lại như vầy (theo Wikipedia):
Chí Phèo là tên một nhân vật trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Chí Phèo là đại diện tiêu biểu của những người dân nghèo khổ cùng cực Việt Nam dưới xã hội thực dân nửa phong kiến. Từ một người hiền lành, Chí Phèo bị đưa đẩy thành một kẻ chuyên ăn vạ, đâm thuê chém mướn, thành công cụ của những kẻ áp bức. Tuy nhiên, "nhân chi sơ, tính bản thiện", cái lương thiện, cái tính người cũng không thể mất đi bên trong con người tưởng như lưu manh và côn đồ. Chí Phèo gặp Thị Nở và nhờ tình yêu đơn giản, mộc mạc đã kéo Chí Phèo về với phần con người trong y.
Tượng Chí Phèo - Thị Nở tại làng gốm Bát Tràng
Nói vòng vo, chỉ cốt dắt đến chỗ này. Có ai đồng ý với câu nói của em mình không? Cái câu "may mà đời nay không có thằng nào như thằng Chí..." ấy? Chắc có người có, có kẻ không. Riêng tôi, tôi thấy đời nay chẳng những có, mà nhiều là đằng khác.
Học tập theo anh Chí, thời nay phát triển thành một thứ, gọi là
văn hóa Chí Phèo. Những người mang văn hóa Chí Phèo giờ không rạch mặt nữa, cũng không còn say. Thời hiện đại mà, cách đó quá lạc hậu rồi. Nhưng cái phong cách ăn vạ thì vẫn thế.
Tôi nói không ai tin à?
Nhìn đi sẽ thấy. Dân tứ xứ từ tỉnh đổ vào Sài Gòn. Chỉ cần một cái xe đạp, hai cái thúng, cộng thêm cái nón lá và khẩu trang che kín mặt. Đi ngông nghênh như vua. Thằng nào ngon tông phải bà đi, bà tru tréo cho mày không còn lỗ mà chui. Bà nghèo, ai dám đụng bà. Xe tải cơ à? Khiếp, cứ thủng thẳng mà bà qua đường, bà
nghèo mà...
Đấy là cháu gái của anh Chí.
Còn đây là cháu trai của anh Chí. Anh ta không còn nghèo nữa, làm đến tận Trưởng với phó chứ chẳng chơi. Nhưng, vẫn thế. Người ta làm cao, làm to mới sợ, chứ tôi thì chức bé như cái mũi, ai đâu mà nhòm với ngó. Thôi cứ gom góp cho vợ con cái đã, mai này về hưu còn làm kinh tế. Bố mày
hy sinh đời bố, củng cố đời con. Chả cần danh với dự, cứ bự bụng mà ngon.
Vẫn chưa hết đâu, dăm anh học sinh, vài chú thợ hồ ra đường mặt mũi luôn đăm đăm. Hễ va quẹt là y như rằng lao vào nhau chí chóe. Mình nào phải sợ gì ai, vì mình với nó, bất quá thì
một đổi một. Mình nghèo mà, đâu có gì phải lo lắng, đâu có gia tài gia sản gì phải gìn giữ...
Lại có anh tài xế, lái xe thuê. Xe nào phải của mình, cứ thủng thẳng. Đường xá cũng nào phải của mình, đã có cấp trên lo hết rồi, cứ vô tư mà đi. Gặp đám đông, hoặc ngã tư đang kẹt cứng, ui giời, việc gì phải lo lắng, cứ lủi vào. Ở cái xứ này, ai anh hùng bằng ta? Ta chẳng có gì để mất cả. Ta chỉ là
tay sai, đâm thuê chém mướn thôi, có việc gì thì ở trên đã lo lắng hết rồi....
Cái văn hóa Chí Phèo là thế. Không hẳn cứ say rồi rạch mặt mới là Chí. Phải không nào? Nhưng Chí ngày xưa còn có bát cháo hành của Thị Nở để kéo y về lại làm người, Chí ngày nay phải làm sao?