Navbar


New: Biggest Hiphop News in Vietnamese - DUNKARE MAGAZINE [ Click here to visit ]

Sunday, March 4, 2007

Một ca khúc được hình thành như thế nào?

Một trong những khó khăn mà một band nhạc thường gặp phải sau một thời gian bươn trải trên các ca khúc cover chính là sáng tác. Sáng tác co dễ không? Sáng tác là một việc không phải là dễ hay là khó, mà là hay hay dở. Sáng tác hay khó không? Khó đấy! Bạn sáng tác hay hay không thể hiện ở số lượng và chất lượng của fan hâm mộ ca khúc của ban.

tienjimi xin phép được post một vài bài nhằm giúp mọi người bổ sung kiến thức về khái niệm "Sáng tác". Bái sau đây được mình copy trên mạng từ khá lâu, không nhớ tên người sáng tác.

Một ca khúc được hình thành như thế nào?


I- Mở đầu
Một bản nhạc hay không chỉ cần có những tay chơi guitar với kĩ thuật điêu luyện,một ca sĩ có giọng đặc biệt và một tay trống dẻo dai. Những điều kiện trên chỉ chiếm khoảng 30-40% thành công của một ban nhạc vì những kĩ thuật chỉ là vấn đề kinh nghiệm và luyện tập thường xuyên.Các nhạc công đánh thuê(sessions musicians) có khả năng làm được điều đó.

Điều quyết định thành công của một ban nhạc,tạo nên được nét riêng cho mình chính là người viết ca khúc(songwriter). Kĩ thuật là cái bên ngoài còn ca khúc chính là chiều sâu của một ban nhạc.Có những ca khúc thời thượng,lúc mới phát hành thì trống kèn ầm ĩ nhưng chỉ sống được vài tháng,còn trong khi có những ca khúc sống qua bao nhiêu thập kỉ,khi nghe lại vẫn thấy hay. Đó chính là cái tài của người viết nhạc đã thối cái hồn của mình vào bài hát khiến cho ca khúc có sức sống bất diệt.

Một bài hát khi được phát hành là một bài hát đã được xây dựng hoàn chỉnh về mặt nội dung và hoà âm.Tuy nhiên, để được một ca khúc hoàn hảo như khi đã thu âm thì phải qua nhiều công đoạn. Phần lớn các ca khúc khi mới được viết có rất nhiều điểm khác biệt so với thành phẩm xuất xưởng.Có thể gọi nôm na ca khúc vừa được viết là sản phẩm thô (raw materials) hoặc là bản nháp (demo).Nếu ai có bộ đĩa Anthology của Beatles sẽ thấy được sự khác biệt rất lớn giữa các bản thu demo với những bản thu âm chính thức.


II- Cấu tạo một ca khúc:

Vậy cấu tạo của một ca khúc đơn giản bao gồm những gì? Theo các nhà soạn ca khúc đương đại,một ca khúc là sự kết hợp giữa ca từ (lyric) trên nền giai điệu (melody). Giữa ca từ và giai điệu,mỗi phần chiếm 50% thành công của ca khúc. Có người sẽ hỏi giữa melody và lyric, cái nào có trước cái nào? Câu hỏi này cũng giống như con gà và quả trứng, cái nào ra đời trước vậy. Đến nay thật ra không có một cái chuẩn nào bắt buộc người sáng tác phải viết ca từ trước rồi mới được viết giai điệu hay ngược lại. Điều đó tuỳ theo cảm hứng của người sáng tác: có khi đọc một bài thơ hay thì giai điệu tự dưng nảy sinh, hoặc có khi giai điệu ra đời rất lâu trước khi phần ca từ được hình thành nên cái nào ra trước không quan trọng. Tuy nhiên theo nhiều nhạc sĩ kinh nghiệm thì phần melody thường được xây dựng trước.

1/Cách xây dựng giai điệu cho ca khúc:

Như đã nói ở trên, melody chiếm 50% thành công của ca khúc, thậm chí hơn vì đây là phần quan trọng nhất của ca khúc. Một nhạc phẩm không có ca từ thì vẫn mang tính âm nhạc như đối với nhạc hoà tấu,nhạc không lời nhưng ca từ dù hay cách mấy mà không có phần giai điệu thì chỉ là một bài thơ chứ không thể gọi là music được.

Melody trên cơ bản được cấu tạo bởi hai phần :hoà âm (harmony) và tiết điệu (rhythm).

a. Hoà âm( harmony)

chính là phần sử dụng các hợp âm (chords) và các đoạn nhạc lặp (riff). Đến bây giờ vẫn có rất nhiều người sử dụng lẫn lộn hai thuật ngữ "hoà âm" (harmony) và "phối âm" (mix). Khi nói chuyện với nhau,ta quen dùng cụm từ "hoà âm cho một ca khúc" thay vì nói đúng là "phối âm cho ca khúc". Dĩ nhiên khi sử dụng từ gốc tiếng Anh "harmony" và "mix" thì không ai nhầm lần nhưng khi chuyển sang tiếng Việt thì hoà âm và phối âm cứ lộn cả lên.

Một khái niệm nữa về hoà âm mà người chơi nhạc vẫn hay lẫn lộn là các thuật ngữ "chuỗi hợp âm" (chords sequence), "đoạn nhạc lập" (riff) và đoạn solo. Nhất là có rất nhiều người không thể phân biệt thế nào là câu solo,thế nào là câu riff. Vậy nên hiểu thế nào cho đúng về ý nghĩa của những thuật ngữ này:

*Chord sequences:

là chuỗi hợp âm liên hoàn, mà giai điệu sẽ được xây dựng dựa trên nó. Chords sequence (dân chơi nhạc mình gọi là vòng gam) là cái sườn để xây dựng tất cả các ca khúc, các đoạn riff và các câu solo cũng đều được xây dựng dựa trên các chuỗi hợp âm này. Đặc điểm của chuỗi hợp âm này là các hợp âm trong chuỗi phần lớn đều thuộc cùng một âm giai (key) mà nguời chơi nhạc Việt Nam thường gọi là tông (từ đúng là tone).Thật ra tone không có nghĩa là âm giai như vẫn thường dùng, tone thường để chỉ âm sắc của nhạc cụ hơn là một âm giai.Vì dụ đối với guitar điện, người ta thường phân ra loại các pick-ups theo tiêu chuẩn cho ra âm sắc trầm (humbucker tone) và âm sắc cao (sharp tone).Một đặc điểm nữa của chuỗi hợp âm là tính nối đuôi của nó (sequence). Khi hợp âm cuối cùng của chuỗi hợp âm kết thúc thì hợp âm đầu tiên của chuỗi sẽ được lập lại,cứ thế nối đuôi nhau cho đến khi có một chuỗi hợp âm thứ hai thay thế.

*Riff và solo:
Trong nhạc rock và nhạc blues,thuật ngữ "riff" được sử dụng khá thường xuyên và rất hay bị ngộ nhận là những câu solo.Thật ra riff là chuỗi các nốt nhạc được lập đi lập lại dựa trên sự lập lại của chuỗi hợp âm. Vì các đoạn riff thường được chơi bằng guitar nên người nghe nhạc rock đánh đồng cả riff và solo làm một. Điểm khác nhau giữa riff và solo là ở chỗ, solo được chơi ngẫu hứng, còn riff thì phải rõ ràng,và riff luôn lập đi lập lại,Hay nói cách khác, thay vì chơi chuỗi hợp âm thì rất dễ nhầm lẫn và đơn điệu,người ta sử dụng các đoạn riff để tạo nên nét đặc trưng riêng của mình. Cứ tưởng tượng nếu hai ban nhạc xây dựng hai ca khúc khác nhau trên cùng một chuỗi hợp âm với cùng một nhịp điệu.Nếu chỉ chơi phần chords sequence trong các đoạn intro, giang tấu và kết thúc thì nếu loại bỏ phần ca từ đi,cả hai bài sẻ giống nhau đến 90%,nhờ đoạn riff mà ta có thể phân biệt được vì trên cùng một chuỗi hợp âm giống nhau, ta có thể xây dựng vô số đoạn riff khác nhau. Một vấn đề nữa là có thể chơi riff và solo cùng một lúc hay không. Điều này là hoàn toàn có thể vì đoạn riff chính là cái sườn của ca khúc, nó xuất hiện bất cứ ở đâu và các câu solo dựa trên các câu riff cũng như là dựa trên chuỗi hợp âm vậy.Đối với những ban nhạc có hai tay guitar,một tay sẽ chơi đoạn riff trong khi tay kia chơi solo,nếu ban nhạc chỉ có 1 tay guitar thì trống và bass sẽ đảm nhận chơi phần riff để làm nền cho guitar đi solo.Đối với những ca sĩ viết nhạc thì họ sẽ để phần riff cho các tay guitar viết dựa trên chuỗi hợp âm của mình nghĩ ra, trong khi các tay guitar khi viết nhạc thì sẽ làm theo hướng ngược lại ,họ sẽ chơi ngẫu hứng một đoạn nhạc và lấy đó làm câu riff và từ đó xây dựng nên phần giai điệu.

b. tiết điệu (rhythm).

Tiết điệu được chia làm ba phần: tốc độ nhịp (beat hay tempo), cấu hình nhịp (time-signal) và điệu thức (tune).

*Tốc độ nhịp(Tempo hay Beat):
Thường khi cầm một bài phối được viết ra giấy, ta thường thấy bên góc trái của bài hát ngay phía dưới tựa đề là phần hướng dẫn về tốc độ nhịp: medium tempo hay la 180 beats/minute ...đại loại là như thế. Dựa trên phần tempo,người chơi sẽ điều chỉnh tốc độ chơi của bản nhạc vì cùng một bài nhạc nhưng khi chơi với tốc độ khác nhau thì hiệu ứng sẽ khác nhau.

*Cấu hình nhịp(time signal):
Đó chính là chỉ số chỉ số nhịp trong một khuông nhạc như nhịp 4/4, 3/4, 6/8,12/8...Tuy đến nay nhịp 4/4 vẫn là loại nhịp được sử dụng nhiều nhất trong nhạc rock những các loại nhịp 3/4, 12/8 và 6/8 cũng được sử dụng khá nhiều,thậm chí một bài hát có thể kết hợp nhiều time signals khác nhau trong mỗi phần.

* Điệu thức(tune):
Nhịp và điệu luôn đi liền với nhau.Nhịp tạo nên tốc độ của bài hát còn điệu thì tạo nên phong cách của bài hát.Chính vì vậy mà điệu tango và điệu chachacha cùng có nhịp 4/4 nhưng cách thể hiện hoàn toàn khác nhau.Điệu thức mang tính đặc trưng về mặt văn hoá của từng vùng trên thế giới. Một bài hát có thể sử dụng một hay nhiều điệu thức khác nhau.


2/Cách xây dụng ca từ của một ca khúc:


Khi nhắc đến ca khúc,người ta thường nói đến các nhạc phẩm có ca từ (lyric),và vì thế mà ca từ trong một ca khúc chiếm khoảng 50% thành công của một ca khúc. Viết ca từ cho ca khúc còn khó hơn viết giai điệu vì nguời viết ca từ phải có những trải nghiệm trong cuộc sống (experiences), chính những trải nghiệm cuộc sống mang đến cho nguời viết cảm hứng (inspiration).

Tuy nhiên,cảm hứng mà không biết cách thể hiện thì cũng không thể tạo được sự đồng cảm đối với người nghe, phải có trình độ học vấn (literary background) nhất định và một trình độ thẩm mĩ (sense/taste of art) nhất định thì mới có thể chắp cánh cho những cảm xúc của mình qua lời hát và đưa đến cho người nghe được.

Gần đây, thị trường nhạc trẻ Việt Nam tràn ngập những ca khúc mì ăn liền của các "nhạc sĩ trẻ" với ca từ trùng lặp và nhàm chán đến phát sợ. Đó là hậu quả tất yếu của sự thiếu trình độ văn hoá và thiếu kinh nghiệm sống. Ngay cả trên thế giới,những quan chức trong ngành âm nhạc đã và đang lo ngại về chất lượng của ca khúc ngày càng xuống dốc.Các ca khúc mang đầy chất thơ hầu như không còn tồn tại trên đời nữa.

Nếu loại bỏ phần nhạc ra khỏi một ca khúc thì ca từ không khác gì lắm với một bài thơ gồm hai phần chính là nội dung (content)vần điệu (rhyme).Điều khác nhau giữa ca từ của một bài hát và một bài thơ là ở chỗ,ca từ bài hát phụ thuộc nhiều vào phần giai điệu, do đó viết một ca khúc khó hơn là làm một bài thơ.

Nội dung (content) của ca từ có thể rất phong phú và đa dạng nhưng nhìn chung tập trung vào ba hình thức sau: Nội dung dựa trên một cốt chuyện (plot),nội dung dưa trên cảm xúc riêng tư của người viết (feelings)nội dung "phi nội dung" (nonsense).Trong ba loại nội dung thì loại nội dung dựa trên cảm xúc là phổ biến nhất vì dễ nhận được sự đồng cảm từ người nghe. Loại nội dung "phi nội dung" là loại khó viết nhất vì ca khúc nghe thì lạ và hay,nhưng không ai hiểu nó nói gì.Nguời nghe cảm nhận được cái đẹp một cách mơ hồ chứ không rõ ràng nhưng vẫn cảm thấy thích thú. Cách viết "nonsense" thường dành cho những tay lão luyện,có trình độ cao và thường sau những ca từ xem chừng như vô nghĩa, người viết luôn gửi gắm một ẩn ý (implication) hoặc một thông điệp bí mật (secret message)nào đó mà chỉ có những người thật sự hiểu rõ về người viết mới có thể giải mã được. Kiểu viết nonsense cần sự hỗ trợ rất lớn của phần vần điệu và cả về cách xử lí giai điệu,nếu không bài hát sẽ mất đi vẻ đẹp mà trở nên lố bịch,phản tác dụng.

Lấy ví dụ như một trong những ca khúc hay nhất trong lịch sử nhạc rock là ca khúc "Lucy in the Sky With Diamonds" của John Lennon viết thời Beatles, người nghe khi nhắm mắt lại thì sẽ có cảm giác mình đang bay bồng bềnh trên một bầu trời lóng lánh những màu sắc huyền hoặc của ảo giác,nhưng đừng cố phân tích từng câu từng chữ xem cái bài hát đó nói gì vì nếu phân tích như thế,cả bài hát chỉ là một chuỗi từ ngữ vô nghĩa,chẳng câu nào ăn nhập câu nào cả.

Phần quan trọng thứ hai sau nội dung của ca khúc là sự hợp vần (rhyming). Đừng lẫn lộn giữa hai thuật ngữ "rhythm" là nhịp điệu với "rhyme" là vần vì hai chữ này viết khá giống nhau nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau. Thuật ngữ đầu tiên dùng trong phần giai điệu còn thuật ngữ sau được dùng cho phần ca từ.

Nhờ vào vần mà giữa các câu hát có sự kết nối với nhau,tạo nên sự liền mạch và hấp dẫn. Cứ tưởng tượng nếu không có vần thì bài hát trở nên vô duyên thậm tệ,cho dù phần giai điệu hay đến mấy cũng không cứu vãn nổi.Trên thực tế,vần và điệu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và hỗ trợ nhau rất nhiều, ta vẫn thường gọi chung là "vần điệu" là như thế.Nói cho dễ hình dung, vai trò của vần và điệu trong một ca khúc cũng giống như vai trò của thủ môn và hàng hậu vệ trong bóng đá vậy.Cả hai phải phối hợp ăn ý với nhau thì bài hát mới hay được. Trong nhạc pop/rock nói chung,việc đặt vần điệu tương đối dễ dàng vì đặc trưng về mặt ngôn ngữ của tiếng Anh là tiếng Anh có bộ phận hậu tố (suffix) như : ion, al, ive, ing...nên rất dễ gieo vần với nhau. Một thuận lợi khác chính là ngôn ngữ Anh là ngôn ngữ đa âm không dấu ( non-stressing multi-syllable language) nên việc ngắt nhịp và thay đổi sắc thái âm thanh cho phù hợp với vần và điệu rất dễ dàng. Do đó,để bộc lộ cảm xúc, hoặc muốn nhấn mạnh cao trào,người hát có thể dễ dàng thay đổi cao độ của nốt nhạc theo ý của mình,miễn sao không rơi ra ngoài âm giai đang sử dụng mà nhạc rock thì việc sử dụng feeling để hát là việc thường ngày ở huyện nên tiếng Anh phù hợp để viết nhạc rock hơn là so với tiếng Việt.

Tuy nhiên phần quan trọng nhất trong ca từ không phải là nội dung hay vần điệu mà chính là cái hồn(spirit) của người viết truyền cho ca khúc.Thiếu đi cái hồn, ca khúc không có sức sống.Tại sao có những ca khúc khi nghe,người nghe lập tức nổi gai ốc,lạnh xương sống,thậm chí còn có những ca khúc như ca khúc "Sombre Dimanche" có thể khiến cho người nghe tự tử vì sức ám ảnh của nó quá lớn. Nhưng cũng có những ca khúc nhạt nhẽo đến độ,nghe lỗ tai này,lọt qua lỗ tai kia chẳng nhớ gì cả. Và cũng có những ca khúc,khi nghe thoáng qua một hai lần thì không ấn tượng hoặc cảm thấy khó nghe,nhưng khi nghe kĩ thì sẽ ghiền.Tất cả đều là do tài năng và bản lĩnh của người viết ca khúc tạo nên linh hồn cho đứa con tinh thần của mình. Linh hồn của một ca khúc bao gồm cách chọn lọc và sử dụng từ ngữ (words choice),cách sắp xếp từ ngữ theo một thứ tự nhất định (words arrangement).Càng đọc sách nhiều thì cách sử dụng từ ngữ càng linh hoạt,tự nhiên, không gượng,không sến. Khi nghe một ca khúc của Văn Cao hay Trịnh Công Sơn,ta có thể nhận thấy được sự khác biệt to lớn với những "tình đơn phương", "tình phai, "tình sầu" gì gì đó mặc dù các ca khúc có thể có cùng nội dung.Ở các ca khúc của Văn Cao hay Trịnh Công Sơn, ngôn từ được chọn lựa rất thông minh và trang nhã,mang dấu ấn riêng khiến người nghe cảm được nổi buồn của nhạc sĩ nhưng không vì thế mà bi luỵ hoặc chán nản.Còn đối với các ca khúc thời thượng, người viết không đủ trình độ để sử dụng từ ngữ một cách có nghệ thuật nên phần ngôn từ thường na ná nhau,quanh quẩn và tối nghĩa dẫn người nghe vào ngõ cụt.

Linh hồn của một ca khúc còn được thể hiện qua thái độ (attitude), cảm hứng (inspiration) cảm xúc (emotion) mà tác giả giành cho đứa con tinh thần của mình. Đó chính là nhân sinh quan của tác giả được thể hiện qua ca khúc của mình,phần nào nói lên tính cách của nhạc sĩ. Điều này tạo nên một dấu ấn rất riêng khiến người nghe nhận biết được tác giả của ca khúc. Lấy ví dụ trong nhóm Beatles, mặc dù các ca khúc phần lớn đều kí tên Lennon/McCartney nhưng người hâm mộ có thể nhận ra ca khúc nào của John ,ca khúc nào của Paul. Ca khúc của Paul thường có giai điệu và ca từ đẹp như một bức tranh,nội dung thường nhẹ nhàng và thanh thoát,còn những ca khúc của John thường thể hiện sự giận dữ, châm biếm, nhạo báng.Giai điệu và ca từ của John cũng mạnh mẽ và sắc sảo hơn John, thậm chí có phần hơi thô bạo. Trong khi đó, George Harrison thường viết những ca khúc thâm trầm, mang đầy chất suy gẫm và triết lí theo kiểu phương đông.

Mỗi nguời có một tính cách riêng nên tác phẩm của họ mang một linh hồn riêng. Nguời nhạc sĩ nào tạo được cái spirit cho riêng mình mới gọi là một nhạc sĩ có tài.Đối với nhạc rock, các thành viên thường sáng tác cho chính ban của mình nên mỗi ban đều có một phong cách riêng,không ai giống ai và người thể hiện thực sự cảm nhận ca khúc của mình bằng tất cả linh hồn còn đối với nhạc thời thượng, người viết nhạc viết theo đơn đặt hàng,còn ca sĩ vừa hát vừa chạy sô nên khi trình bày ca khúc không hề có cảm xúc. Âm nhạc là nghệ thuật và nghệ thuật cần nhất là sáng tạo và cảm xúc, không có hai thứ đó,không thể gọi là nghệ thuật chân chính được.

(Sưu tầm từ HanoiBand)

No comments:

Post a Comment

Người viết chịu trách nhiệm về những gì người đó đăng tải tại đây, vì thế Ngôi nhà nhỏ không duy trì sự kiểm duyệt comments.

Trong một số trường hợp nhất định, việc loại bỏ những comments không thích hợp nhằm duy trì một môi trường lành mạnh và thân thiện, là cần thiết tại Ngôi nhà nhỏ.