Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa công bố một lá thư về việc xây Nhà Quốc hội trên báo Đại Đoàn Kết, sau khi gửi cho nhiều báo khác nhưng không được đăng, theo lời ban biên tập tờ báo.
[ nhấn vào đây để xem tiếp ]
Thư của Tướng Giáp nói ông phản đối chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu, đồng nghĩa việc phá bỏ Hội trường Ba Đình.
Chủ trương này đã được Quốc hội Việt Nam thông qua tại phiên họp cuối cùng của Quốc hội khoá 11 ngày 2-4.
'Lòng dân chưa yên'
Một số nguồn tin cho rằng ban lãnh đạo hiện nay của Đảng Cộng sản đã chỉ thị cho báo chí nhà nước không đăng các ý kiến trái chiều về việc xây Nhà Quốc hội nữa.
Tuy nhiên, số báo Đại Đoàn Kết ngày 1-11 lại vừa công bố lá thư phản đối của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong phần giới thiệu, tờ báo viết: "Vừa qua, trong dư luận xã hội có lan truyền tin cho rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết bức thư rất tâm huyết đề nghị Trung ương xung quanh chủ trương dỡ bỏ Hội trường Ba Đình, xây dựng toà nhà Quốc hội mới trên khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhưng thư không được các báo đăng."
Báo Đại Đoàn Kết nói họ "đăng toàn văn ý kiến này, với mong muốn các tầng lớp nhân dân cũng như các cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước nên tham khảo như một sự trăn trở, day dứt của một vị khai quốc công thần trước chủ trương nói trên, dù ngành xây dựng đã trình Chính phủ và đã được Quốc hội khoá 11 biểu quyết đa số."
Quan điểm của tướng Giáp là phải bảo tồn toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình, di tích mà theo vị tướng là "không thể thiếu của bề dày lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội".
Hiện nay, mặc dầu Quốc hội đã biểu quyết, nhưng cán bộ và nhân dân còn có nhiều ý kiến, lòng dân chưa yên
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông cho rằng "đã là di tích lịch sử mà xuống cấp thì phải tu sửa, bảo tồn chứ không phải phá bỏ đi".
"Hiện nay, mặc dầu Quốc hội đã biểu quyết, nhưng cán bộ và nhân dân còn có nhiều ý kiến, lòng dân chưa yên".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói thêm: "Riêng tôi, một lần nữa xin nêu lại ý kiến dứt khoát không nên làm nhà Quốc hội tại khu di tích 18 Hoàng Diệu và tuyệt đối không được phá bỏ Hội trường Ba Đình."
Ông cũng đặt câu hỏi gợi ý so sánh hai công trình nổi tiếng trong Nam và ngoài Bắc:
"Chúng ta nghĩ thế nào khi thấy cần phải bảo tồn Dinh Độc lập (Hội trường Thống Nhất) mà lại quyết định phá bỏ Hội trường Ba Đình?"
Mặc dù chủ trương phá dỡ Hội trường Ba Đình và xây nhà Quốc hội tại đó đã được thông qua, nhưng tướng Giáp vẫn đề nghị Quốc hội tổ chức một phiên họp, và nhấn mạnh phải thảo luận "thực sự dân chủ, phân tích kỹ những ý kiến khác nhau".
Chủ đề chính trị?
Cuộc tranh luận về việc xây hay không và xây như thế nào trụ sở Quốc hội Việt Nam đã diễn ra vài năm nay và đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận.
Một số nguồn tin từ Việt Nam và trong giới Việt Kiều ở Pháp tin rằng sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên tiếng có ý nghĩa chính trị trước Hội nghị Trung ương giữa kỳ của đảng CSVN mà dự kiến sẽ diễn ra giữa năm 2008.
Hội trường Ba Đình hiện nay
Tác động chính trị của việc Tướng Giáp lên tiếng, sau khi cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng công bố thư ngỏ tương tự hồi tháng 10 vừa qua trên báo Tuổi Trẻ về Hội trường Ba Đình là ở chỗ Ban lãnh đạo hiện thời, chủ yếu là TBT Nông Đức Mạnh đang là đối tượng của các phê phán đến từ những nhân vật tuy đã nghỉ hưu nhưng còn uy tín cao trong đảng.
Sự phê phán nhằm vào cách thức dàn xếp và thông qua những quyết định tác động trực tiếp đến một địa điểm vừa có tính chính trị cao, lại có ý nghĩa chính trị-lịch sử với đảng cầm quyền.
Chẳng hạn, theo ông Võ Văn Kiệt:
"Nếu thấy cần thiết, Quốc hội nên lấy ý kiến nhân dân...tổ chức theo những phương thức mà nhân dân có thể tham gia thực sự chứ không phải chỉ lấy ý kiến nhân dân cho có lệ."
Vị cựu Thủ tướng còn nói người dân phía Nam không hề được hỏi ý kiến gì vì cuộc triển lãm về dự án Hội trường Ba Đình được tổ chức chỉ ở Hà Nội.
Riêng với báo chí và giới chuyên môn, chuyện tưởng như đã chấm dứt sau khi giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ cho kế hoạch xây mới nhà Quốc hội.
Trả lời đài BBC hồi tháng Năm nay nay thì với dự án mới, "khu di tích Hoàng thành sẽ được bảo vệ toàn vẹn và nghị quyết hồi tháng 4.2007 của Quốc hội Việt Nam chính thức giải quyết một vấn đề kéo dài gần 4 năm nay."
Thế nhưng sự kiện tờ Đại Đoàn Kết đăng thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và sau đó được khen trên một tờ báo khác trong Nam cho thấy vấn đề vẫn chưa ngã ngũ.
Liên kết bài viết gốc:
bbcvietnamese
No comments:
Post a Comment
Người viết chịu trách nhiệm về những gì người đó đăng tải tại đây, vì thế Ngôi nhà nhỏ không duy trì sự kiểm duyệt comments.
Trong một số trường hợp nhất định, việc loại bỏ những comments không thích hợp nhằm duy trì một môi trường lành mạnh và thân thiện, là cần thiết tại Ngôi nhà nhỏ.