Navbar


New: Biggest Hiphop News in Vietnamese - DUNKARE MAGAZINE [ Click here to visit ]

Sunday, January 20, 2008

Đến chừng nào mới hết 'BÀNG HOÀNG' ?

Hôm nay, nghe mẹ tôi nói: "Ngoài chợ người ta bàn tán xôn xao về vụ hành hạ trẻ em ở nhà trẻ đó..." Rồi lại xem tivi, thấy người ta nói 'bàng hoàng'.

Tra từ điển tiếng Việt, thấy từ 'bàng hoàng' được định nghĩa như sau:
Bàng hoàng:
Trong trạng thái tinh thần như choáng váng, sững sờ, tâm thần tạm thời bất định.
Bàng hoàng trước tin sét đánh. Định thần lại sau phút bàng hoàng.
Ta dùng từ này trong trường hợp muốn diễn tả một sự việc đến bất ngờ, không mong muốn, trước cái gọi là 'tin sét đánh'.

Nếu gọi những tin tức trên kia là 'tin sét đánh', thì hằng ngày ở Việt Nam, 'sét' đánh rền rĩ. Vậy chúng ta bàng hoàng vì cái gì? Vì đây là lần đầu tiên phát hiện ra ư? Không. Mỗi sáng, hãy đứng trước cổng các trường Mầm non, mẫu giáo, nhà giữ trẻ mà xem, không thiếu những hình ảnh lôi sền sệt đứa trẻ dưới lề đường, hay mắng sa sả vào mặt một đứa trai đang khóc gào, đôi khi còn tát, cốc đầu v...v... và chính cha mẹ chúng làm điều đó, chứ không riêng gì bảo mẫu, giáo viên giữ trẻ. Chúng ta thấy hằng ngày, vậy chúng ta bàng hoàng vì cái gì?

Hay chúng ta 'bàng hoàng' vì tính nghiêm trọng của nó? Không hẳn vậy. Chúng ta từng thấy, chúng ta từng làm những việc đó bằng chính đôi tay của chúng ta, và cũng chính chúng ta làm ngơ đi. Chúng ta biết tác hại của nó. Những người trạc tuổi chúng tôi hiện nay không thể gọi bạn bè là 'tớ-cậu', hoặc là 'bạn-mình', một phần là do thói quen xã hội. Một thói quen đã hình thành từ những năm tháng còn đi học: bạn bè phải gọi nhau là 'mày-tao' mới thân mật! Và cũng không rõ tự bao giờ, chính chúng tôi, chỉ dùng từ 'anh', 'chị' trong những trường hợp khả dĩ quan trọng. Sao không dùng những từ đẹp đẽ đó hằng ngày?

Thiểu số có phải luôn phục tùng đa số?. Nhìn người ta giáo dục con cái bằng cách nào, chúng ta sao chép như thế cho chính gia đình chúng ta. Cách làm ấy vô hình khiến toàn bộ xã hội xuống cấp về đạo đức, cũng như tính nhân văn trong lối cư xử. Hãy nhìn lại phiên tòa xét xử 'ông chủ hàng phở' đã hành hạ em Bình, không một chút ăn năn. Thoáng đâu đó trên gương mặt của họ, là biểu hiện của sự bất bình! Đúng vậy, hằng ngày, hằng giờ, họ đi lại trên đường phố, và chính họ chứng kiến bao nhiêu trường hợp như thế, sao chỉ riêng họ phải đứng trước vành móng ngựa? Đáng ra phải là toàn xã hội chúng ta phải bước ra đứng trước vành móng ngựa.

Nói thế không ngoa đâu. Trẻ nhỏ hiện nay không có khả năng uống sữa. Trẻ giàu thì còn cầm cự. Trẻ nghèo thì chỉ cách đi ngủ để mà mơ thấy sữa. Như thế là xã hội mắc nợ trẻ nhỏ. Chúng ta có tội với trẻ nhỏ. Có đáng ra trước vành móng ngựa không? Gây thiệt hại vật chất vài chục vài trăm tỉ đồng thì chịu tội gì? Làm nghèo nàn thể chất, suy dinh dưỡng cả một thế hệ thanh niên thì chịu tội gì? Tôi không biết.

Hẳn các bạn cũng còn nhớ, chúng ta từng 'bàng hoàng' rất nhiều lần. Bàng hoàng trước tin một thầy giáo gạ đổi điểm lấy tình. Bàng hoàng trước tin mẹ đẻ giết con bằng thuốc sâu. Bàng hoàng trước người anh giết chết em ruột mình, trước đứa cháu giết bà nội mình. Bàng hoàng...

Một tuần mà chúng ta bàng hoàng những sáu ngày! Còn ngày chủ nhật không đọc báo, nên không bàng hoàng.

Phải chăng để hết bàng hoàng, ta đừng xem tin tức?

-----------------------
Hình ảnh sưu tầm từ Internet.

1 comment:

  1. Trao đổi link với Viet Nam Blogger bạn nào

    ReplyDelete

Người viết chịu trách nhiệm về những gì người đó đăng tải tại đây, vì thế Ngôi nhà nhỏ không duy trì sự kiểm duyệt comments.

Trong một số trường hợp nhất định, việc loại bỏ những comments không thích hợp nhằm duy trì một môi trường lành mạnh và thân thiện, là cần thiết tại Ngôi nhà nhỏ.